Cửa hàng thông minh ứng dụng công nghệ giúp giảm tải công việc, chăm sóc khách hàng tốt hơn từ đó tăng năng suất vận hành và doanh thu cửa hàng gấp nhiều lần. Dưới đây là 4 mô hình kinh doanh bán lẻ hiện đang ứng dụng trí tuệ nhân tạo rất hiệu quả
Menu
1. Lợi ích của cửa hàng bán lẻ thông minh
Cuộc chạy đua về công nghệ, đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo giữa các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ càng lúc càng khốc liệt. Thay vì trao đổi hàng hóa trực tiếp giữa người bán và người mua theo phương thức truyền thống tại các cửa hàng thì ngày nay, nhờ ứng dụng công nghệ, các mô hình cửa hàng thông minh được hình thành và dần trở thành phương án tối ưu hơn cả. 3 lợi ích sau đây sẽ giải thích tường tận tại sao cửa hàng bán lẻ thông minh lại có độ phủ rộng rãi đến như vậy:
+ Khả năng khai thác dữ liệu khách hàng: Có thể nói rằng khách hàng chính là nguồn sống của cửa hàng, vậy nếu có thể lưu lại thông tin khách hàng, chào đón và chăm sóc họ chu đáo hơn ở những lần mua hàng tiếp theo cùng nhiều ưu đãi thì đó chẳng phải một cách “giữ chân” khách hàng hoàn hảo hay sao. Và điều tuyệt vời ấy chỉ có thể tìm kiếm tại các cửa hàng bán lẻ thông minh. Bước chân vào cửa hàng, khách hàng thay vì phải tìm kiếm sản phẩm phù hợp thì nay các nhà bán lẻ sẽ tự động đưa ra những gợi ý thông qua lịch sử mua hàng, thói quen tìm kiếm của họ. Tất cả là nhờ các sản phẩm, giải pháp sử dụng công nghệ AI có khả năng nhận biết, lưu trữ và xử lý chính xác các thông tin thu thập được từ khách hàng.
Cửa hàng thông minh – đột phá trong lĩnh vực bán lẻ
+ Phân tích, dự đoán: Một loạt các kỹ thuật thống kê được sử dụng cho cửa hàng như khai thác dữ liệu, học máy, dự đoán tình huống để phân tích hành vi thông qua lịch sử mua và dự đoán các khả năng mua hàng tương tự trong thời gian tới. Chính lợi ích này đã giúp cho cửa hàng bán lẻ thông minh rất được các doanh nghiệp đầu tư mạnh tay và khách hàng cũng ưa thích hơn cả.
+ Quản lý hiệu quả kinh doanh: Tất cả quy trình từ nhận diện, lưu trữ tới khai thác dữ liệu khách hàng, lập luận và dự đoán đều hướng đến sự phân tích, đo lường một chỉ số hiệu quả nhất định mà đơn vị kinh doanh bán lẻ sử dụng. Nếu như trong bán lẻ truyền thống, việc quản lý kinh doanh có hiệu quả hay không thường chỉ được đo lường bằng doanh thu, lượng hàng bán ra mỗi ngày, ước lượng số lượt khách tương đối hay một vài dự đoán mang tính chủ quan về xu hướng mua hàng,… Khác biệt hoàn toàn, với cửa hàng thông minh thì mọi chỉ số như người đi qua cửa hàng, người đi vào, người mua hàng, đâu là gian hàng được tương tác nhiều nhất, đâu là nơi tương tác ít,… mọi thứ đều được đo lường và lưu lại. Từ đó, người quản lý có thể đánh giá về hiệu quả kinh doanh cửa hàng của mình một cách chính xác nhất.
2. Yếu tố tạo nên sự khác biệt của cửa hàng thông minh
Cửa hàng thông minh là cụm từ dùng để chỉ những cửa hàng có thể tự động hoặc bán tự động làm những công việc mà không cần đến sự can thiệp từ con người. Và để làm được điều đó thì việc vận dụng trí tuệ nhân tạo chính là yếu tố then chốt. Thông qua công nghệ AI, các mô hình cửa hàng bán lẻ có thể phục vụ quý khách hàng của mình một cách nhanh nhất, tiết kiệm thời gian, sức lực mà lại mang đến sự hài lòng cho khách hàng. Sự xâm nhập của trí tuệ thông minh nhân tạo mới ở bước đầu nhưng chắc chắn rằng ngành bán lẻ sẽ ngày càng chịu ảnh hưởng bởi nó.
Sự đổ bộ của chatbot hay trợ lý ảo chính là một ví dụ điển hình của công nghệ nhân tạo được ứng dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực kinh doanh. Tình trạng khách hàng phải chờ đợi sự giải đáp từ nhân viên chăm sóc có thể kéo dài đến vài giờ; thêm vào đó còn có sự thiếu đồng nhất giữa các nhân viên nên quy trình chăm sóc khách hàng bị chậm trễ, còn nhiều thiếu sót. Trái ngược hoàn toàn, trợ lý ảo hỗ trợ chăm sóc ngay lập tức mọi lúc mọi nơi, trả lời thông tin chính xác, thống nhất do được lập trình sẵn.
Sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo chiếm được nhiều thiện cảm của các nhà bán lẻ phải kể đến là robot được sử dụng để hỗ trợ thông tin cho khách hàng giúp việc mua sắm tiện lợi, nhanh chóng. Mục đích cuối cùng của việc sử dụng AI cho cửa hàng thông minh cũng để cải thiện được dịch vụ khách hàng và hướng tới trải nghiệm của khách.
Các nhà bán lẻ thông minh hoàn toàn có thể cải tiến chức năng tìm kiếm sản phẩm, lựa chọn sản phẩm hay thanh toán thông qua công nghệ AI. Chỉ một chút thay đổi trong hoạt động kinh doanh cũng giúp cho cửa hàng của bạn thu hút được sự tò mò của khách hàng từ đó cũng tăng tỷ lệ chuyển đổi, tăng hiệu quả kinh doanh.
3. 4 mô hình bán lẻ ứng dụng trí tuệ nhân tạo
3.1. Cửa hàng không người bán
Ra đời ở xứ sở hoa anh đào, cửa hàng không người bán là mô hình bán lẻ được xây dựng dựa trên lòng tin và tính trung thực của người Nhật Bản. Hàng ngày, chủ cửa hàng sẽ bày những mặt hàng nhu yếu phẩm như nông sản, nước,… kèm bảng giá ghi sẵn. Người mua sẽ tự động lấy món hàng yêu thích và bỏ tiền vào nơi đã được người bán quy định.
Hình ảnh chuỗi cửa hàng không người bán thông minh
Rất nhiều các quốc gia trên thế giới đã lấy ý tưởng từ thiết kế gian hàng không người bán này để phát triển. Song, mô hình không người bàn này đã được nâng cấp hoàn toàn nhờ vào trí tuệ nhân tạo, camera, chip cảm ứng cùng các ứng dụng trên điện thoại thông minh. Như vậy, người mua hàng sẽ có những trải nghiệm mới lạ khi mua sắm như tự động mở cửa nhờ quét mã, chọn hàng hóa, tự động in hóa đơn, thanh toán trực tuyến.
Mô hình cửa hàng thông minh không người bán hứa hẹn sẽ trở thành một xu hướng mới của kinh doanh bán lẻ trong tương lai: sự dịch chuyển theo dòng chảy của công nghệ trí tuệ nhân tạo.
3.2. Máy bán hàng tự động
Nhắc đến các mô hình cửa hàng bán lẻ thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo không thể bỏ qua máy bán lẻ tự động hay còn được gọi là các kiot độc lập. Mỗi máy như một tủ trưng bày với các mặt hàng cố định với giá niêm yết với mục đích bán lẻ, khách hàng tự phục vụ. Mô hình này đã xuất hiện từ thế kỷ 19 với tính năng sử dụng đồng xu để mua hàng, dần dần máy bán hàng được cải tiến sử dụng tiền polime, sau đó là thẻ, điện thoại và đỉnh cao là dùng khuôn mặt để thanh toán nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Từng ngày thay đổi giúp cho mô hình bán lẻ thông minh này cải thiện được trải nghiệm của khách hàng khi sử dụng sản phẩm. Sự phát triển không ngừng nghỉ của công nghệ giúp cho máy bán hàng tự động hiện nay có khả năng nhận biết khách hàng thân thiết, hiểu biết nhu cầu, thói quen của họ và đưa ra sản phẩm người đó hay dùng hoặc một sản phẩm họ có khả năng sẽ thích.
3.3. Bán lẻ trực tuyến
Bán lẻ trực tuyến là mô hình bán hàng mà người bán cung cấp dịch vụ hoặc hàng hóa cho người mua thông qua internet và các kênh điện tử khác. Đây là một hình thức thương mại điện tử, người bán thông qua các kênh như mạng xã hội (Facebook, Instagram, Youtube,…), diễn đàn, các thiết bị di động, các kênh truyền hình trên tivi,… Không hề có địa điểm hay cửa hàng cố định nào bày bán chính là đặc điểm nổi bật của mô hình bán lẻ thông minh này.
Khám phá mô hình tiềm năng bán lẻ trực tuyến
Và nó cũng chính là ưu điểm khiến cho bán hàng trực tuyến ngày càng lớn mạnh trong ngành bán lẻ. Người bán không phải chịu rủi ro khi nhập hàng với số lượng lớn, tốn công lưu kho, bảo quản mà chỉ cần nhập một số lượng nhỏ sản phẩm mẫu để giới thiệu tới khách hàng; chỉ khi nào khách hàng đồng ý mua thì người bán mới báo kho lấy và giao hàng.
Hiện nay, trí tuệ nhân tạo cũng xâm nhập vào mô hình bán lẻ trực tuyến thông qua việc đánh giá được sự tương tác của khách hàng với các quảng cáo sản phẩm, đếm được thời gian dừng lại xem chương trình quảng cáo là bao lâu, đo lường mức độ quan tâm, số lượt mua hàng, tỷ lệ chuyển đổi là bao nhiêu,…; từ đó đưa ra các báo cáo hữu ích giúp người bán có thể thay đổi chiến lược kinh doanh phù hợp hơn, tiếp cận nhiều khách hàng tiềm năng và tăng doanh thu bán ra ở mức cao nhất.
3.4. Sàn thương mại điện tử
Sàn thương mại điện tử là mô hình kinh doanh thương mại thông qua website, ứng dụng cho phép các cá nhân, tổ chức không phải người quản lý hay chủ sở hữu có thể tiến hành mua – bán các dịch vụ, sản phẩm. Trí tuệ nhân tạo được ứng dụng rất nhiều trên các sàn giao dịch thương mại điện tử để phân tích, dự đoán kết quả giao dịch, đưa ra bảng thống kê, đo lường giúp cho chính chủ sở hữu sàn có những thay đổi tích cực hoặc là người bán trực tiếp có thể tăng doanh thu. Cơ sở hạ tầng vững chắc, người bán biết được khách hàng muốn gì, cần gì, quan tâm nhiều đến mặt hàng nào thì việc tối ưu được kênh bán hàng, cách sắp xếp các mặt hàng sẽ giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi hiệu quả hơn.
4 mô hình kinh doanh bán lẻ thông minh trên đây chính là minh chứng hoàn hảo cho tầm ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo đối với lĩnh vực bán lẻ. Có thể thấy, bán lẻ và công nghệ AI là hai lĩnh vực hoàn toàn khác, song, chúng không đơn thuần tách rời nhau mà lại có sự gắn kết chặt chẽ. Trí tuệ nhân tạo chính là chìa khóa vàng mở ra thành công cho các doanh nghiệp kinh doanh mô hình bán lẻ thông minh.
Nhìn chung, công nghệ trí tuệ nhân tạo càng ngày càng trở nên thiết yếu đối với các nghiệp vụ trong ngành bán lẻ như giám sát an ninh, thanh toán, đo lường những chỉ số khác nhau,… Bởi vậy, Phenikaa.AI đem đến sản phẩm Vifenkaa với mong muốn đưa công nghệ AI tích hợp trong camera khả dụng cho bán lẻ giúp việc quản lý an ninh – bán hàng đơn giản, dễ dàng và hiệu quả hơn bao giờ hết.